Thiên nhiên giúp ta khỏe mạnh và hạnh phúc như thế nào? - Bitour

Thiên nhiên giúp ta khỏe mạnh và hạnh phúc như thế nào?

Ảnh chụp những người bạn đồng hành dễ thương trên hành trình Tà Năng - Phan Dũng cùng Bi.

Tôi sống ở miền núi, trong một thung lũng mà bao quanh là những cánh rừng và dòng sông xanh ngắt chảy vắt ngang thị trấn. Tuổi thơ của chúng tôi luôn lấm lem bụi đất, mủ cây và những vết trầy xước khắp người. Tôi nghĩ mình đã có một sống tương đối gần gũi thiên nhiên từ lúc nhỏ nơi mà rừng già, suối thác gần như chỉ cách vài tiếng đi bộ. 

Chúng tôi không biết gì về điện thoại, internet. Sau này lớn lên, nhà ai cũng bắt đầu có tivi và điện thoại bàn thì tin tức đến nhanh và gần hơn một chút nhưng nhìn chung cho đến tận những năm cuối cấp ba chúng tôi vẫn dùng những cách liên lạc rất đơn giản để kết nối với nhau. Và thời đó, chúng tôi dù tắm mưa, uống nước giếng hay phong phanh trong mùa đông thì cũng rất ít khi ốm yếu. 

Tôi không nghĩ quá nhiều đến cây cối cho đến những năm gần đây, một lần khi đo mắt theo định kỳ, độ mắt của tôi đã tăng từ 1.75 đến 3.5 độ, có thêm chút loạn. Ở độ tuổi trên 30, tôi bắt đầu nhìn thấy cơ thể mình và cả những người tôi quen bắt đầu thay đổi. Chúng tôi nhão hơn, chậm hơn, da khô hơn, sức đề kháng kém hơn, suy nghĩ chậm đi và mọi thứ có vẻ xuống cấp hơn hồi 25 tuổi. 

Điều lạ lùng hơn là tôi nhận thấy sức khỏe của những người ở thế hệ 8x và 9x so sánh ở cùng thời điểm lại không quá khác biệt, thậm chí sức đề kháng của các bạn 8x lại có vẻ nhỉnh hơn. 

Tôi nghĩ cần một vài nghiên cứu sâu và rộng hơn về sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) của các nhóm tuổi khác nhau để có kết luận khách quan và chính xác hơn. Nhận định của tôi chủ yếu dựa trên sự quan sát xung quanh và trên các chuyến đi leo núi cho hàng trăm du khách mà chúng tôi tổ chức hằng tuần, đặc biệt là về độ bền và sức chịu đựng. 

Những vấn đề mà các bạn trẻ hay hay nói chung là dân văn phòng, những người sống trong thành thị gặp phải càng lúc càng phức tạp hơn so với cuộc sống ở nông thôn rất nhiều. Và các nhà nghiên cứu gọi đây là “Những căn bệnh thành thị”

Sức đề kháng

Người dân thành thị dễ bị tổn thương hơn bởi thể chất và tinh thần của họ bị tấn công hằng ngày, đôi lúc là âm thầm, nhỏ giọt khiến cho cơ thể ngày càng mệt mỏi và yếu ớt. Cứ nhìn một đứa trẻ sinh ra ở thành phố với những điều kiện chăm sóc y tế và vật chất tốt hơn hẳn thì trẻ em nông thôn vẫn có vẻ khỏe mạnh hơn. Giống như cây trồng trong đất và trong chậu thì trẻ nông thôn ban đầu có vẻ thon gọn hơn trong khi ở thành phố nhiều trẻ đã có nguy cơ béo phì thì bắt đầu những năm về sau sức đề kháng của trẻ em nông thôn lại tốt hơn. 

Không kể đến yếu tố di truyền thì chúng ta có thể nhìn vào làn da một đứa bé để biết là bé yếu ớt hay khoẻ mạnh. Việc trẻ ở quá nhiều trong môi trường máy lạnh, ô tô…cũng làm thay đổi sắc tố chung của người da vàng và làn da trắng một phần cũng thể hiện sự thiếu nắng – yếu tố không thể thiếu để bé tổng hợp vitamin D. 

Điều kiện sống ở thành phố tiện nghi hơn nhưng cũng ô nhiễm hơn do bụi mịn, tiếng ồn, mùi môi, thực phẩm bẩn cho đến những luồng suy nghĩ tiêu cực mang nhiều năng lượng xấu phát sinh trong công việc và các mối quan hệ phức tạp. 

Bệnh thể chất

Môi trường bên ngoài không thực sự trong lành, thực phẩm tự nhiên bị nhiễm bẩn và đồ ăn công nghiệp tràn lan cộng với việc ăn uống vô độ mất kiểm soát là những nguyên nhân chính giảm đến sự sa sút sức khoẻ và kéo theo nhiều căn bệnh khác như đau bao tử, đau vai gáy, nhức đầu, cơ thể rất dễ bị bệnh, tăng hoặc giảm cân bất thường….

Bạn có đang cảm thấy an tâm về sức khoẻ của mình?

Bệnh tâm hồn

Khi sức đề kháng suy giảm, thể chất trở nên yếu đuối thì mức độ căng thẳng cũng ngày càng tăng cao dẫn đến vô vàng hệ lụy kéo theo như dây chuyền. Đó là sự mệt mỏi, lo lắng vẩn vơ, mất ngủ, buồn bã, chán nản, thiếu niềm vui trong công việc và thậm chí là trầm cảm. 

Stress tác động tới chúng ta như thế nào? - Ảnh: cellsciencesystems.com
Chìm đắm vào thế giới công nghệ và xa rời thế giới tự nhiên đã trở thành “căn bệnh thời đại” không chỉ tại Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới. Ảnh: afamily.vn

Có phải chúng ta đang dần xa thiên nhiên?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc thiếu hoặc hoàn toàn không tiếp xúc với môi trường tự nhiên của con người là vô cùng quan trọng. Chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên, chúng ta sinh ra từ Mẹ thiên nhiên nhưng chúng ta lại đang rời xa Thiên nhiên. Có phải hầu hết những bất ổn của chúng ta đều do chúng ta sống trái với bản tính tự nhiên của con người và trái với các quy luật tự nhiên? 

Tôi tin đó là nguyên nhân chính yếu. Đó cũng là lý do tôi chọn cách nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên? Tại sao con người lại có cảm giác thoải mái và dễ chịu khi ở gần thiên nhiên. Cây cối, hương thơm, tiếng chim hót, ánh nắng mặt trời, đất….có liên hệ gì đến tâm trạng và thể chất của chúng ta? Bao nhiêu thời gian ở ngoài trời là đủ? Làm cách nào để chúng ta – những người thành phố hoà hợp với thiên nhiên và nâng cao sức đề kháng của mình? Thiên nhiên có làm ta hạnh phúc? 

Tôi học chuyên ngành Xã Hội Học 4 năm và thêm 3 năm Thạc Sĩ nữa là tổng cộng 7 năm về nghiên cứu thực nghiệm xã hội. Do đó, bản thân tôi không dễ bị thuyết phục bởi lý thuyết đơn thuần. Tôi sử dụng cả 3 phương pháp chính để tìm hiểu về vấn đề này và mục đích của tôi chính là ứng dụng vào cuộc sống để giúp bản thân và mọi người khoẻ mạnh, thành công và hạnh phúc hơn. 

Bạn có bao giờ tự hỏi?

  • Tại sao ở gần cây cối khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn? 
  • Tại sao màu xanh của lá lại khiến chúng ta dễ chịu?
  • Tại sao mỗi khi mệt mỏi chỉ cần tắm sạch sẽ thì người lại khoan khoái dễ chịu? 
  • Tại sao trẻ em tiếp xúc với cây cỏ nhiều lại ít mắc chứng trầm cảm hoặc tăng động?
  • Tại sao đi bộ ngoài trời lại giúp chúng ta có thêm những ý tưởng mới?
  • Tại sao trèo đèo lội suối không làm ta mất sức mà ngược lại còn khiến ta cảm thấy sung sức hơn? 
  • Tại sao đứng giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ ta lại nảy sinh nhiều cảm xúc lạ đến vậy? 

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy sự thân thuộc và thoải mái khi gần gũi với tự nhiên về mặt cảm giác và chúng ta vẫn chưa biết rõ cách thiên nhiên tác động đến tâm trí, tinh thần, thân thể chúng ta và tại sao thiên nhiên có thể làm được điều đó. 

Trên thế giới và từ ngàn xưa người ta đã hiểu rằng con người là một phần của thiên nhiên và tuân theo những quy luật của tự nhiên. Theo thời gian những tiến bộ kỹ thuật cho phép chúng ta “làm chủ tự nhiên”, “chinh phục tự nhiên” dẫn đến những quan điểm về con người và thiên nhiên đặt trong sự tách rời. 

Chúng ta tự nghĩ rằng mình là một thực thể có sức mạnh to lớn trên hành tinh này và dần quên mất mình chỉ là một phần của tự nhiên. Chúng ta bắt đầu hưởng thụ những thứ tiện nghi do mình tạo ra trong những chiếc hộp xinh xắn và những chuẩn mực về sự thành công hạnh phúc riêng để theo đuổi. Và để có những thứ đó thì khai thác và lấy đi từ thiên nhiên là một điều tất yếu. 

Cách người Nhật shinrin yoku khi trở về vùng quê hay vào rừng vào cuối tuần

Người Nhật có một sự cảm nhận và gắn kết sâu với thiên nhiên theo một cách riêng – điều mà tôi ít gặp ở các nước Á Đông còn lại, kể cả Việt Nam. Và đó cũng là lý do thuật ngữ “Shinrin Yoku – Tắm rừng” khởi sinh từ Nhật lại trở thành nguồn cảm hứng chung cho nhiều quốc gia khi nói về mối quan hệ của chúng ta với rừng và cách chúng ta kết nối lại với mẹ thiên nhiên. 

Phim ngắn: "Shinrin - Yoku, nghệ thuật Tắm rừng" của Matador Network

Nghệ thuật Tắm Rừng từ Nhật Bản

Bất kể là gì thì khi qua cách thưởng thức của người Nhật đều trở thành….nghệ thuật. Họ uống trà và đưa nghệ thuật uống trà thành Trà Đạo. Họ yêu hoa biến việc cắm hoa thành nghệ thuật. Họ sống lối sống tối giản và biến nó thành nghệ thuật sống. Họ có một nền ẩm thực mà mỗi món ăn đều có một lịch sử lâu dài, cách chế biến thưởng thức với câu chuyện riêng và trở thành nghệ thuật ẩm thực. 

Để biến một việc bình thường trở thành nghệ thuật thì trước hết người ta phải cực kỳ nghiêm túc với nó, để tâm hồn vào nó, hiểu sâu nó và đi vào sự tinh tế nhất có thể. Nó không thể là sự hời hợt hay nghiên cứu đối tượng từ bên ngoài. Nó là quá trình tự trải nghiệm, tự ngộ và rồi giống như họ phát hiện ra chân lý vậy, đơn giản mà chân thật. 

Bởi thế dù hiện nay việc kết nối với thiên nhiên không còn quá xa lạ nhưng nghệ thuật Tắm Rừng từ Nhật Bản vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những người đang đi tìm mối liên kết giữa con người và tự nhiên trên toàn thế giới.

Chúng ta luôn biết rằng tâm trí của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta sẽ hình thành nên con người chúng ta. Sự khỏe mạnh cơ thể đi liền với sự khỏe mạnh của tâm hồn. Cơ thể của chúng ta nghe theo những chỉ dẫn từ những tiếng nói bên trong chúng ta và vì thế trạng thái tinh thần của chúng ta cực kỳ quan trọng. 

Nếu nó sảng khoái, bạn sẽ khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc và ngược lại càng bị căng thẳng, bạn sẽ càng dễ mệt mỏi, thậm chí trở nên ốm yếu, bệnh tật. 

Người Nhật đã phát triển một phương pháp tuyệt vời để thư giãn tâm trí, đó chính là Tắm Rừng. Trong bài viết này tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về liệu pháp thiên nhiên này để thấy tại sao Tắm Rừng lại trở nên đặc biệt phù hợp trong thời kỳ hỗn loạn ngày nay và cách chúng ta có thể hưởng lợi từ đó. 

Tắm rừng là gì?

Tắm rừng là thực hành hòa mình vào thiên nhiên một cách có tỉnh táo, sử dụng các giác quan của bạn để thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần. Nó còn được gọi là Shinrin-yoku. ‘Shinrin’ có nghĩa là rừng và ‘Yoku’ là viết tắt của từ tắm. 

Ý tưởng này ra đời ở Nhật Bản vào những năm 1980 và được chứng minh là một công cụ rất hiệu quả để vượt qua những tác động xấu của cuộc sống bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng. 

Tắm rừng giải phóng hormone tích cực thư giãn não

Tắm rừng trong thiên nhiên cho phép phần não căng thẳng của bạn được thư giãn. Hormone tích cực được giải phóng trong cơ thể.

Tắm rừng giảm căng thẳng, lo âu

Bạn cảm thấy bớt buồn, tức giận và lo lắng. Nó giúp tránh căng thẳng và kiệt sức, đồng thời hỗ trợ chống lại chứng trầm cảm và lo lắng.

Tắm rừng tăng khả năng miễn dịch

Tắm trong rừng có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và giúp giảm bệnh tật cũng như phục hồi nhanh hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật. 

Cây cối trong rừng mà chúng ta thấy đều biết cách bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn và mầm bệnh. Những hợp chất này gọi là Phytoncides. Khi vào rừng, chúng ta tự nhiên sẽ ngửi thấy rất nhiều mùi hương khác nhau phụ thuộc cấu tạo của mỗi loại cây. 

Những phân tử này không chỉ tốt cho cây mà còn tốt cho khả năng miễn dịch của chúng ta. Hít thở trong không khí trong rừng làm tăng mức độ tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) trong máu và chống lại nhiễm trùng, ung thư, khối u….

Đó là lý do tại sao khi đi bộ lâu trong rừng chỉ cần vài giờ là đủ để chúng ta cảm thấy thoải mái. Còn khi ở trong một chuyến đi hoang dã từ 2-3 ngày thì vô tình chúng ta đã được tắm trong bầu không khí ngập tràn Phytoncides từ rừng. 

Tắm rừng tăng khả năng tập trung

Thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến tâm trí cũng như cơ thể của chúng ta. Nó cải thiện sức khỏe tim phổi, làm tăng khả năng tập trung, tập trung và trí nhớ.

Tác dụng của thiên nhiên không chỉ là một cảm giác…

Khi càng tìm hiểu sâu về nghệ thuật Tắm rừng, tôi hiểu ra rằng mình đã được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, vô hạn từ thiên nhiên cho nên những mệt mỏi về mặt cơ thể rất nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho sự sảng khoái và thư giãn. Vì thế mà suốt thời gian leo núi tâm trạng tôi cũng trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

Thật ra về mặt cảm giác hầu hết mọi người đều cảm thấy thân thuộc và thoải mái khi ở giữa thiên nhiên. Tôi luôn nhớ lại hồi nhỏ khi mình sống ở quê vui vẻ như thế nào mặt dù tay chân lúc nào cũng lấm lem bùn đất. 

Nhưng người Nhật không chỉ dừng lại ở “cảm giác” mà họ tìm mọi cách để đo lường, chứng minh rằng những tác dụng của thiên nhiên không chỉ vô cùng hiển nhiên mà còn vô cùng to lớn. Việc tìm hiểu sâu này giúp họ tìm ra được những yếu tố tác động cũng như mức độ hay liều lượng thiên nhiên cần thiết để chữa lành một người khi thực hành phương pháp Tắm Rừng này. 

Tôi trong một chuyến đi về VQG Bù Gia Mập.
Cũng là tôi. Ảnh chụp tại núi Ngọc Sơn - Đài Loan trong một hành trình "điên rồ" của tôi.

Những khu rừng chữa bệnh - Trung tâm y tế xanh

Tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc thấy điều này. Rừng chữa bệnh ư? Rõ ràng cây cối trong tự nhiên luôn có một tác dụng nào đấy mà chúng ta chưa biết hết được. Quê tôi ở Tây Nguyên, có rất nhiều người đồng bào sinh sống. Họ ở rải rác trong rừng, di cư từ nơi này qua nơi nọ và họ hiếm khi dùng đến thuốc, họ sử dụng cây rừng để tự chữa bệnh cho mình. 

Có rất nhiều bài thuốc Nam lạ lùng mà từ nhỏ tôi được má tôi dạy. Ví dụ như bạn có biết cây Sống Đời, một loại cây bụi thấp, lá mọng mà mỗi khi tôi bị đau mắt đỏ má chỉ cần giã nhuyễn đắp lên mắt là mọi thứ lại bình thường. 

Thực tế là có rất nhiều các vị thuốc mà chúng ta dùng có chiết xuất từ tự nhiên và ở Nhật người ta đã nghiên cứu để tìm ra những cánh rừng như thế: kết hợp để con người nghỉ ngơi, hồi phục và chữa lành cho mình. Nó hoàn toàn không cảm tính, nó xuất phát từ một sự tìm hiểu cẩn thận. 

Ở Việt Nam mình mà nếu đưa ý tưởng này về thì sao? Tôi không biết. Nếu có nó nên hợp tác với các khu bảo tồn thiên nhiên – nơi có rất nhiều nghiên cứu về rừng nhưng nó nên được quản lý và tổ chức bởi những người thật sự có tâm với đội ngũ chuyên gia am hiểu. Tôi vẫn đang ấp ủ và tôi biết một ngày nào đó khi quay trở lại Việt Nam tôi sẽ thực hiện điều này. Không chỉ là một mà rất nhiều nơi cây và rừng đều có thể giúp bạn tự chữa lành. 

Có hàng ngàn cách mà Mẹ Thiên Nhiên đang nuôi dưỡng con người chúng ta cả thể chất và tâm hồn. Hãy trân trọng khi chúng ta còn được hít thở không khí trong lành, nhìn ngắm cây cỏ xunh quanh. 

Và Bitour luôn có những chuyến đi giúp bạn kết nối thiên nhiên như thế. 

Nguyễn Ngọc Thư

Thạc sĩ Xã hội học - ĐH KHXH & NV (HCMC)
Cử nhân Kinh doanh Quốc tế - ĐH Metropolia (Helsinki)
Tác giả bài viết

Nguyễn Ngọc Thư

Chào các bạn, tôi là Nguyễn Ngọc Thư sáng lập Bitour.

 

Các bài viết này xuất phát từ mối quan tâm của tôi nghiên cứu tác động Thiên Thiên đến mọi mặt đời sống Con Người và cách ứng dụng giúp chúng ta khoẻ mạnh, thành công và hạnh phúc hơn.

Hy vọng những nghiên cứu nhỏ này sẽ giúp bạn tìm thấy cảm hứng thiết kế cuộc sống của mình ý nghĩa và thú vị hơn.