Bao nhiêu “thiên nhiên” là đủ?

Bao nhiêu thiên nhiên là đủ?

Câu hỏi nghe có vẻ kỳ cục đối với thế hệ 7x, 8x, 9x và thậm chí cả bạn, nếu bạn sinh ra ở nông thôn, miền núi nơi gắn liền với rừng, hồ, sông, suối, cây cối, ruộng đồng. Bởi thiên nhiên với chúng ta đã từng là những điều rất đỗi bình thường. 

Thế nhưng, biến đổi khí hậu, diện tích rừng giảm dần và hàng loạt vấn đề mà con người đang đối mặt thì câu hỏi ấy giờ lại trở nên vô cùng hệ trọng. 

Tôi học ngành Xã Hội Học trường Nhân Văn. Công việc của chúng tôi chính là điều tra, nghiên cứu, tìm ra căn nguyên của những căn bệnh ấy rồi đưa ra giải pháp. 

Giờ đây, khi là người sáng lập Bitour tôi lại càng quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên hơn bao giờ hết. 

Ô nhiễm không khí và tiếng ồn

Bụi mịn bao trùm Tp.HCM - Ảnh: Google

Để làm rõ hơn vấn đề lớn của nhiều thành phố chính là ô nhiễm không khí và tiếng ồn, tôi xin được phép trích dẫn một vài thông tin quan trọng từ bài báo gần đây ngày 20/12/2022, Tuổi Trẻ, “Cả bụi mịn lẫn tiếng ồn ở TP.HCM đều vượt chuẩn”.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong thời gian gần đây, bụi mịn và tiếng ồn tại TP tiếp tục vượt chuẩn. Theo đó, kết quả khảo sát nồng độ bụi mịn (PM2.5) tại TP dao động từ 21-52 µg/m3 (QCVN 50 µg/m3).

Bác sĩ Nguyễn Hải Nam (chuyên khoa tai – mũi – họng) cho rằng ô nhiễm tiếng ồn và bụi mịn là gánh nặng của sức khỏe. Bên cạnh đó, tiếng ồn còn ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả công việc vì làm cho chúng ta dễ bức bối, không thể tập trung được.

Bụi mịn thường xuất hiện khi bầu trời nhiều sương mù. Nếu hít phải bụi mịn thường xuyên dễ mắc các bệnh đường hô hấp, gia tăng tình trạng hen suyễn, thậm chí ung thư…trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, thậm chí viêm phổi… 

Tôi tin rằng bất kỳ ai sống ở thành phố quan tâm đến sức khoẻ của mình đều biết và hiểu rõ tác động của ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, tuy nhiên có thể ít khi ta để ý vì tác động này là lâu dài và khó nhận thấy, cho đến khi ai đó phát bệnh, như ung thư chẳng hạn.

Thế hệ những người sống trong nhà và nguy cơ tiềm ẩn

Russell Foster, bác sĩ hàng đầu trong giới nhãn khoa, chỉ ra rằng: “Từ năm 1800 đến 2000, tỉ lệ 90% người làm việc ngoài trời đã giảm xuống dưới 20%. Trong một thời gian ngắn, chúng ta – từ một giống loài ưa hoạt động ngoài trời – trở thành những kẻ dành hầu hết thời gian trong hang tối”.

Làm việc và hoạt động mọi thứ trong nhà không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc, mà còn thực sự có thể “tách con người ra khỏi thế giới tự nhiên, nơi vẫn luôn thúc đẩy sự tiến hoá tự nhiên của loài người.”

Tôi đã thực sự suy nghĩ về lối sống của mình khi lần đầu tiên xem video này. 

"Thế hệ trong nhà" - Nguồn: Báo Tuổi trẻ. Video: Velux. Việt hóa: QUỲNH CHI
Ánh sáng tự nhiên ảnh hưởng tốt đến tâm trạng con người - Ảnh: YouGov. Việt hóa: QUỲNH CHI
"Thế hệ trong nhà" chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xa cách tự nhiên - Ảnh: Huffington Post

Không khí trong nhà có thể ô nhiễm gấp 5 lần so với không khí ngoài trời

Nó đến từ vật liệu xây dựng, nội thất như hạt nhựa, thảm trải nhà, máy móc, các đồ dùng gia đình và những hoạt động của chúng ta như nấu nướng, đốt nến, phơi quần áo….chưa kể đến việc chúng ta làm mỗi giây trong ngày: thở ra CO2. 

Sống lâu trong nhà với chất lượng không khí kém, chúng ta có thể bị kích thích mắt, dị ứng, ngứa ngáy, đau mũi họng, đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi, hô hấp, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và bệnh tim….

Khi ở nhiều trong nhà, chúng ta cũng sử dụng rất nhiều ánh sáng nhân tạo để bổ sung nguồn sáng. Và chính nó cùng các thiết bị kỹ thuật số đã là phá vỡ chu kỳ ánh sáng và bóng tối tự nhiên, có nghĩa là khi trời bắt đầu tối và kích hoạt cơ thể chúng ta chuẩn bị nghỉ ngơi, ánh sáng nhân tạo khiến điều đó trở nên khó khăn hơn.

Đó là lí do tại sao nhiều người gặp vấn đề về giấc ngủ. Chúng ta không nhận đủ ánh sáng tự nhiên qua hệ thống thị giác như cơ thể cần. Nếu bạn tiếp nhận nhiều ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, bạn sẽ ngủ ngon vào ban đêm hơn.

Lối sống ít vận động sinh bệnh tật và những bất ổn tâm lý

Hầu hết những người làm việc văn phòng đều gặp những vấn đề về sức khoẻ thể chất dễ nhận thấy như đau vai cổ gáy, đau đầu, bị khô và nhức mỏi mắt do nhìn màn hình lâu, bị đau lưng, bị trĩ do ngồi nhiều, đau dạ dày hoặc các bệnh tiêu hoá do ăn uống thất thường không đảm bảo chất lượng như khi tự nấu ăn….

Và cả những vấn đề về tinh thần như mất ngủ, căng thẳng, lo lắng quá độ, cảm thấy buồn chán, mất định hướng, thiếu niềm vui sống….

Môi trường văn phòng cũng là nơi có nhiều sóng độc hại nhất, như sóng điện từ đến từ các thiết bị máy móc, văn phòng, ánh sáng xanh từ màn hình, sóng wifi ảnh hưởng trực tiếp đến não và nhiều bộ phận khác của cơ thể gây ra nhiều hệ quả kép mà trong một thời gian ngắn chúng ta khó lòng nhận ra. 

Làm thế nào để cải thiện điều này?

Nhà tâm thần học Steven Lockley giải thích: “Ánh sáng là một chất kích thích trực tiếp với não bộ. Nếu bạn tiếp xúc với ánh sáng sáng hơn và xanh hơn vào ban ngày, não bộ sẽ được kích hoạt tốt hơn. Bạn sẽ tỉnh táo hơn và nhận thức tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn”. 

Những lợi ích sức khoẻ, hiệu quả của ánh sáng tự nhiên với năng suất lao động có thể rất cao. Nghiên cứu cho thấy sinh viên trong môi trường nhiều ánh sáng tiếp thu nhanh hơn 26%, nhân viên ở văn phòng có khung cảnh tự nhiên thực hiện các bài kiểm tra tâm thần tốt hơn tới 25%.

Không khí trong lành bên ngoài với nhiều cây cối không chỉ giúp ta cảm thấy thoải mái hơn mà thật sự còn tác động trực tiếp đến thể chất của ta. Tôi sẽ chia sẻ với bạn sâu hơn dựa trên các nghiên cứu của Nhật Bản thông qua hoạt động Tắm Rừng (Forest bathing). 

Và dĩ nhiên vận động ngoài trời bao giờ cũng mang lại hiệu quả hơn vận động trong nhà, nếu như bạn có điều kiện về với thiên nhiên. 

Và để chúng ta dễ hình dung hơn, hãy sử dụng mô hình này. 

Khám phá Kim Tự Tháp Thiên Nhiên

Kim tự tháp thiên nhiên - Ảnh: Biophilic Cities

Tôi bắt gặp Kim Tự Tháp Thiên Nhiên khi đọc một cuốn sách của một nhà báo người Mỹ, cô đề cập đến nó như một liều thuốc xanh cho người dân đô thị. 

Kim Tự Tháp Thiên nhiên được biết đến từ năm 2012 khi Tim Beatley lấy cảm hứng từ đồng nghiệp của Đại học Virginia, Tanya Denkla-Cobb, để xây dựng biểu thức đầu tiên về liều lượng tự nhiên được khuyến nghị ở nhiều quy mô. 

Nó là một phép ẩn dụ và công cụ tương tự như kim tự tháp dinh dưỡng đã được các chuyên gia y tế và chuyên gia dinh dưỡng giới thiệu trong nhiều năm như một hướng dẫn hữu ích về loại và số lượng thực phẩm chúng ta cần ăn để khỏe mạnh. 

Tiếp xúc với thiên nhiên không phải là một điều tùy chọn, mà là một yếu tố cần thiết và quan trọng của một cuộc sống lành mạnh của con người. 

Vì vậy, giống như kim tự tháp dinh dưỡng, chúng ta cần cụ thể những gì?

Tầng dưới dùng - Thiên nhiên hằng ngày

Ở dưới cùng của kim tự tháp việc tiếp xúc và gần gũi thiên nhiên hằng ngày bắt đầu từ cuộc sống của chúng ta như đi bộ, tập thể dục ngoài trời, ngồi công viên, ngắm nhìn những chú chim, tắm nắng, ngắm hoàng hôn, cảm nhận làn gió hay đơn giản là làm việc nơi có tầm nhìn ra cây xanh. 

Tuỳ theo mỗi người, chỉ cần ít nhất 30 phút kết nối với thiên nhiên mỗi ngày là có thể đủ phục hồi tâm trạng và xoa dịu ngày làm việc căng thẳng.

Tôi có một người bạn có sở thích trồng hoa, thích chăm bón, tưới hoa và ngắm cây. Cô làm điều đó thường xuyên hơn khi phát hiện mình bị ung thu vú, và cô nhận thấy rằng sức khoẻ của cô cải thiện hơn nhiều với tình yêu cây cỏ đó.

Tầng thứ hai - Thiên nhiên hằng tuần

Ở nấc thang tiếp theo, chúng ta cần dành thời gian đến những nơi có nhiều cây xanh hơn, ví dụ như công viên hoặc các điểm đến sinh thái xanh mát. Những chuyến đi đó nên nhẹ nhàng để chính bạn có thời gian thư giãn ngoài thiên nhiên. 

Sẽ chẳng có tác dụng gì nếu bạn ra quá bận bịu cho một chuyến đi nhưng lại không có thời gian tận hưởng. Hãy hiểu rằng một chuyến đi về thiên nhiên là để bạn giải toả căng thẳng, phục hồi năng lượng chứ không phải bù đầu với một bảng danh sách công việc cần phải làm khi ra ngoài. 

Thời gian ngoài thiên nhiên chỉ có tác dụng khi nó thật sự chất lượng và bạn hoàn toàn trong một tâm thế thoải mái. 

Hãy suy nghĩ về những ngày cuối  của bạn, thay vì ở nhà xem phim, lướt web, bạn có thể thay thế nó bằng một chuyến đi bộ ngắn ngoài trời từ 2-3 tiếng.

Tầng thứ ba - Thiên nhiên hằng tháng

Đây là những chuyến đi khoảng hai ngày đến những nơi bán hoang sơ gần thành phố. Lý do là những chuyến di chuyển ngắn không làm bạn kiệt sức, ngược lại bạn lại có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. 

Tim khuyến khích bạn nên có một đêm ngủ ngoài trời hoặc những nơi lưu trú mà mức độ gần gũi với thiên nhiên là tốt nhất. Khi có thời gian đủ lâu, cơ thể bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, điều chỉnh tâm trạng và sạc nguồn năng lượng trong lành từ tự nhiên. 

Tầng trên cùng - Thiên nhiên hằng năm

Giống như các khuyến nghị về thực phẩm trong kim tự tháp thực phẩm, các địa điểm tự nhiên cao nhất trên Kim tự tháp Tự nhiên tốt nhất có thể được coi là những món ăn không thường xuyên trong chế độ ăn uống tự nhiên của chúng ta.

Đó chính là những chuyến đi vào hoang sơ mỗi năm chỉ nên từ 1-2 lần. 

Những địa điểm hoang sơ tốt cho chúng ta với khẩu phần nhỏ và được đo lường, nhưng thực sự không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá thường xuyên hoặc quá nhiều một số lượng lớn. 

Đa dạng các trải nghiệm thiên nhiên sẽ mang lại cuộc sống lành mạnh giống như đa dạng các loại thực phẩm dẫn đến một chế độ ăn uống lành mạnh.

Ở dưới chân kim tự tháp bạn có thể thấy mức độ thiên nhiên nhẹ nhàng hơn, ngắn ngày hơn. Càng lên cao thời lượng ít hơn nhưng cường độ lại lớn hơn và gắn kết sâu sắc hơn với thiên nhiên.  

Kim tự tháp cho phép chúng ta bắt đầu tưởng tượng – khi chúng ta tưởng tượng sự kết hợp giữa thực phẩm và các loại thực phẩm có trong chế độ ăn hàng ngày và hàng tuần của chúng ta – sự kết hợp của các trải nghiệm tự nhiên khác nhau cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh của con người.

Phần Lan - Đất nước hạnh phúc dựa trên lối sống gần gũi thiên nhiên

Tôi may mắn khi có cơ hội học tập và sinh sống tại đất nước Phần Lan, ngay tại thủ đô Helsinki. Xét về dân số, vùng thủ đô chỉ trên dưới 1 triệu dân nên áp lực về dân số cũng sẽ nhỏ hơn các thành phố trên 10 triệu dân. Tuy vậy điều đáng nói là mảng xanh trong thành phố rất nhiều, từ cây cối hai bên đường, các công viên và cả những cánh rừng len giữa các khu dân cơ. 

Hầu như từ bất cứ ngôi nhà nào xa lắm cũng chỉ chừng 15-30 phút đi xe là đã có thể vào một khu rừng. Thậm chí như nhà tôi ở ngay ga tàu lửa, trung tâm thương mại cũng chỉ cách rừng 10 phút đi bộ. 

Dần dần, tôi sẽ kể cho bạn nghe về cuộc sống của người Phần thông qua trải nghiệm của tôi ở quốc gia yên bình này trong những chuyển kể về Phần Lan.

Nguyễn Ngọc Thư

Thạc sĩ Xã hội học - ĐH KHXH & NV (HCMC)
Cử nhân Kinh doanh Quốc tế - ĐH Metropolia (Helsinki)
Tác giả bài viết

Nguyễn Ngọc Thư

Chào các bạn, tôi là Nguyễn Ngọc Thư sáng lập Bitour.

 

Các bài viết này xuất phát từ mối quan tâm của tôi nghiên cứu tác động Thiên Thiên đến mọi mặt đời sống Con Người và cách ứng dụng giúp chúng ta khoẻ mạnh, thành công và hạnh phúc hơn.

Hy vọng những nghiên cứu nhỏ này sẽ giúp bạn tìm thấy cảm hứng thiết kế cuộc sống của mình ý nghĩa và thú vị hơn.

Có thể bạn quan tâm:
Chuẩn bị cho chuyến Tắm rừng shinrin yoku  như thế nào là câu hỏi của không ít các bạn yêu thiên nhiên và mong muốn tìm đến sự bình yên trong tâm hồn. Để có trải nghiệm tốt nhất, đây là hướng dẫn chi tiết chuẩn bị trước chuyến đi khám phá tour suối thác […] [...] Read more...
Sự kết hợp về tần suất của các trải nghiệm tự nhiên khác nhau cần thiết cho một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. [...] Read more...
Sự kết hợp về tần suất của các trải nghiệm tự nhiên khác nhau cần thiết cho một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. [...] Read more...